Ung thư cổ tử cung (UTCTC)được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa. Kể từ khi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap) ra đời và ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng thì tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể. Nếu được điều trị, tỷ lệ sống trên 5 năm của UTCTC là 92% cho các giai đoạn sớm nhất, từ 80% đến 90% cho ung thư giai đoạn 1, và 50% đến 65% cho giai đoạn 2. Chỉ có 25% đến 35% phụ nữ ở giai đoạn 3 và ít hơn 15% với ung thư cổ tử cung giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm virus Human papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chính gây bệnh UTCTC. Bệnh không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 - 15 năm.
Có sự liên hệ chặt chẽ giữa ung thư cổ tử cung và hoạt động tình dục không an toàn, hiếm thấy UTCTC ở phụ nữ không sinh hoạt tình dục. Ung thư cổ tử cung có thể phát triển ở bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên các đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn: giao hợp sớm trước 17 tuổi, giao hợp với nhiều người, và giao hợp với người có quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ; sinh con khi dưới 17 tuổi (ở độ tuổi này, do cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện và thiếu hiểu biết kiến thức vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách nên rất dễ bị các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục và là tác nhân dễ phát triển mầm mống ung thư); quan hệ tình dục không lành mạnh (virus HPV lây lan qua con đường tình dục nên những người có lối sống không lành mạnh trong vấn đề tình dục thường rất dễ mang mầm mống virus HPV); hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích (là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư, trong đó có UTCTC); người có hệ miễn dịch yếu; con gái của những phụ nữ điều trị bằng DES (Diethylstilbestrol) trong thời kỳ mang thai, thuốc này được dùng chống sảy thai; người có gia đình tiền sử mắc bệnh UTCTC rất dễ mắc phải bệnh này cao hơn những người khác.
Các giai đoạn phát triển ung thư cổ tử cung
Làm thế nào để phát hiện sớm?
Để phát hiện sớm UTCTC, điều quan trọng nhất là phải khám phụ khoa định kỳ để tầm soát UTCTC với các phương pháp sau:
Test PAP là một xét nghiệm rất đơn giản, lấy tế bào bong của cổ tử cung, tiến hành nhuộm rồi soi bằng kính hiển vi để tìm các tế bào tổn thương ở các mức độ như bình thường, loạn sản, tiền ung thư, ung thư… Khi test PAP bình thường, có nghĩa là chưa bị UTCTC. Khi test PAP bất thường, có thể bị viêm hoặc ung thư, khi đó phải soi hoặc/và sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán mô bệnh học. Diễn tiến từ loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần 10-15 năm và test PAP có thể âm tính giả nên người phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên làm test PAP thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm 1 lần. Sau 3 năm nếu kếu quả đều âm tính thì làm test 2 năm 1 lần cho tới tuổi 60.
ThinPrep Pap Test được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận đưa vào sử dụng từ tháng 05/1996. ThinPrep Pap Test là bước cải tiến kỹ thuật của phương pháp Pap smear truyền thống, giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện. Tại Việt Nam, ThinPrep Pap Tets cũng đã được triển khai rộng khắp các bệnh viện trong cả nước như: Bệnh viện Phụ Sản TW, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng…
Soi cổ tử cung là một biện pháp được áp dụng để phát hiện sớm UTCTC.
Sinh thiết cổ tử cung là phương tiện sau cùng và cho kết quả chính xác hơn cả. Người ta tiến hành bằng cách lấy mô tại nơi soi cổ tử cung có tổn thương nghi ngờ rồi soi qua kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.
Những triệu chứng của UTCTC
Trong giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không có triệu chứng gì đặc trưng. Cách tốt nhất là phụ nữ nên theo dõi và thấy các dấu hiệu sau đây diễn ra trong nhiều ngày và ngày một nặng thì hãy đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ khám và chẩn đoán: ra máu âm đạo bất thường (ra máu giữa chu kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau một thời gian mãn kinh); đau bụng (đau bụng vùng tiểu khung, đau trong khi giao hợp, đau lưng); dịch âm đạo hôi và màu bất thường; cơ thể thường mệt mỏi, suy giảm thể trạng, sụt cân đột ngột và khi phát hiện bất kỳ sự khác thường nào trong thói quen tiểu tiện như tiểu ra máu, đau khi tiểu tiện, đi tiểu ít nhưng nhiều lần, đi tiểu khó, nước tiểu đục ….thì bạn nên đi khám vì đó là dấu hiệu của UTCTC. Ngoài ra cũng cần lưu ý tới các dấu hiệu như táo bón mạn tính và người bệnh luôn có cảm giác mót cầu, muốn đi đại tiện dù ruột không có gì; nhức mỏi xương khớp và đặc biệt hay đau ở xương chậu: vùng lưng, nhất là vùng lưng dưới.
Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung bao gồm:
Giai đoạn sớm: tân sinh trong biểu mô cổ tử cung hoặc ung thư tại chỗ.
Giai đoạn 1B-2A: xâm lấn thân tử cung, âm đạo hoặc vùng quanh cổ tử cung.
Giai đoạn 2B-4A: di căn đến các cơ quan gần như bàng quang, trực tràng.
Giai đoạn 4B: di căn xa tới phổi, não, gan …
Phương pháp điều trị
Ung thư cổ tử cung được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật và xạ trị. Hai phương pháp này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc đôi khi phải kết hợp cả hai để tăng thêm hiệu quả điều trị. Cách thức điều trị cụ thể tùy thuộc vào giai đoạn bệnh:
Giai đoạn I với u nhỏ hơn 4cm, u còn khu trú hoàn toàn tại cổ tử cung: chỉ cần phẫu thuật hoặc xạ trị đơn thuần, kết quả điều trị tương đương.
Giai đoạn I nhưng u lớn hơn 4cm đến giai đoạn IIB, bệnh đã lan sang các mô cạnh tử cung và 1/3 trên âm đạo: phối hợp xạ trị - hóa trị đồng thời được xem là chọn lựa tối ưu và là bước điều trị đầu tiên.
Giai đoạn III đến giai đoạn IV, bệnh đã lan sang vùng mô cạnh tử cung, xuống 1/3 dưới âm đạo và/hoặc các cơ quan lân cận trong vùng chậu như bàng quang, trực tràng: phẫu thuật rất khó khăn và gần như không thể thực hiện an toàn. Nguy cơ tái phát sau phẫu thuật gần như chắc chắn. Hơn nữa, nguy cơ di căn xa vào các tạng khác như phổi, gan... thường xuyên đe dọa bệnh nhân. Do đó, phải điều trị bằng xạ trị kết hợp hóa trị đồng thời và phải dùng cả hai phương pháp xạ trị ngoài và xạ trị trong.
Phòng ngừa UTCTC bằng cách nào?
Chủng ngừa HPV: hiện nay, có hai loại thuốc chủng ngừa. Loại thứ nhất ngừa được 2 týp HPV 16 và 18, loại thứ hai ngừa được 4 týp 6,11, 16 và 18. Cả hai loại thuốc chủng này đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc chủng ngừa hiệu quả nhất ở độ tuổi từ 10 - 26, chưa có sinh hoạt tình dục. Cần tiêm 3 liều: liều thứ nhất, liều thứ hai sau đó 2 tháng và liều thứ ba sau liều đầu tiên 6 tháng. Tiêm chủng càng sớm hiệu quả càng cao.
Sàng lọc UTCTC bằng cách phết tế bào cổ tử cung - âm đạo: vì chủng ngừa HPV giúp phòng tránh 70% các trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có thể có những trường hợp hiệu quả tiêm chủng không như mong muốn và còn 30% còn lại không liên quan đến HPV. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất cần thiết đối với chị em phụ nữ. Phương pháp tầm soát rất đơn giản và không gây đau đớn lẫn sang chấn cho người phụ nữ. Phương pháp phết tế bào này cho phép phát hiện những tế bào đã có bất thường nhưng chưa phải là tế bào ung thư, những tổn thương này được gọi là tổn thương tiền ung thư.
TS. Vũ Văn Du